Đồng yên liên tục mất giá, cùng với việc giá năng lượng thế giới tăng nhanh đã gây áp lực ngày càng lớn lên chi tiêu thực phẩm hàng tháng của các hộ gia đình Nhật Bản.
Ghi nhận không khí mua sắm ở một siêu thị ở Tokyo những ngày này, rau, củ, quả, thịt cá, các mặt hàng đều tăng đáng kể khiến người dân phải nâng lên đặt xuống trước khi thanh toán.
“Trước đây mỗi tháng chi phí sinh hoạt gia đình tôi chỉ khoảng 50.000 – 60.000 yên, giờ tăng lên đến 80.000 – 900.000 yên rồi”, một người phụ nữ chia sẻ.
Ở ngoài phố, tác động từ việc tăng giá thực phẩm có thể cảm nhận rõ nét. Hầu hết thịt bò tiêu thụ tại Nhật Bản đều là hàng nhập khẩu. Đồng Yên yếu khiến giá hàng nhập khẩu tăng lên.
Chủ một cửa hàng bít tết cho biết giá nguyên liệu đầu vào đã tăng gấp 3 lần so với năm 2021. Để tiếp tục kinh doanh, họ sẽ phải nâng giá bán món ăn và tăng cường tìm kiếm nguồn thịt từ trong nước.
“Nếu đồng yên giảm giá kèo dài thì sẽ tác động lớn đến chi phí sản xuất của chúng tôi”, ông Akatsuka, Giám đốc phát triển chuỗi cửa hàng bít tết ở Tokyo, cho biết.
Ở cửa hàng sushi gần đó, tình hình cũng không khá hơn. Nhiều năm qua, giá cá hồi nhập khẩu từ Na Uy rẻ hơn rất nhiều so với cá hồi của Nhật Bản. Tuy nhiên tỷ giá biến động khiến mỗi cân cá hồi Na Uy nay còn đắt hơn hàng Nhật Bản đến 5 USD. Chủ quán cũng rất dè dặt khi tăng giá vì sợ mất khách.
“Giá cá Na Uy cứ cao như thế này thì tôi phải tăng tỷ lệ sử dụng cá của Nhật Bản lên”, ông Nobuyasu Makino, chủ nhà sushi ở Tokyo, Nhật Bản, cho hay.
Trong 3 tháng trở lại đây, đồng Yen Nhật đã giảm hơn 12% so với USD. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà đầu tư lo ngại khoảng cách về chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản với Mỹ sẽ tiếp tục nới rộng. Mỹ nâng lãi suất để đối phó với lạm phát, trong khi Nhật Bản vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng.
Giới phân tích cảnh báo những tác động tiêu cực của đồng yên yếu có thể khiến Nhật Bản rơi vào tình trạng vừa suy thoái, vừa lạm phát trong năm nay.
Nguồn : VTV NEWs