Nguồn: Cafef.vn
Yên Nhật rớt “thủng đáy” 24 năm do cuộc đua tăng lãi suất toàn cầu
Phiên hôm qua (14/7), yên Nhật đã thiết lập đáy mới sau khi thủng mốc 139 yên đổi 1 USD.
Tổng cộng từ đầu năm đến nay, yên Nhật đã giảm giá khoảng 15% so với USD, rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998.
Phiên hôm qua (14/7), yên Nhật đã thiết lập đáy mới sau khi thủng mốc 139 yên đổi 1 USD. Các nhà giao dịch tiền tệ ở Tokyo nhanh chóng chỉ ra nguyên nhân lớn nhất khiến đồng yên giảm giá mạnh đến vậy. Đó là sự đối lập trong chính sách tiền tệ của Nhật Bản với phần còn lại của thế giới.
Yên càng giảm giá thì lời kêu gọi mua vào càng trở nên lớn hơn. Để tìm kiếm một “vịnh tránh bão” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có triển vọng bấp bênh như hiện nay, còn điều gì tuyệt vời hơn yên Nhật – đồng tiền vẫn được coi là “hầm trú ẩn an toàn” nhưng lại đang có giá rẻ kỷ lục. Nhưng câu hỏi ở đây là: yên đang yếu, nhưng đồng tiền này có thật sự rẻ?
Nhiều nhà đầu tư nhận định đồng yên đang ở dưới giá trị thực. Tuy nhiên, họ đưa ra nhận định đó vì chưa tính đến những thay đổi lớn trong cấu trúc nền kinh tế Nhật Bản. Nhiều năm trở lại đây, đất nước mặt trời mọc đang dần chuyển sang mô hình cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu thay vì hướng về xuất khẩu như trước đây.
Trong tháng 5, Nhật Bản ghi nhận mức thâm hụt thương mại cao thứ hai trong lịch sử, một phần bởi giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh. Nhưng còn có 1 nguyên nhân khác: Nhật đang chuyển từ thặng dư sang thâm hụt thương mại. Sau 1 thập kỷ chứng kiến các doanh nghiệp dịch chuyển nhà máy ra nước ngoài, xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm mạnh.
Nếu BoJ rút ngắn chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản, đó sẽ là cú hích cho đồng yên trong ngắn hạn. Ngoài ra Nhật Bản có thể mở cửa biên giới trở lại để thu hút thêm du khách nước ngoài, từ đó tăng nguồn thu ngoại tệ.
Nhưng đó chỉ là những giải pháp tạm thời. Để đồng yên tăng giá bền vững, cán cân thương mại của Nhật Bản phải thay đổi. Việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân để làm giảm nhu cầu nhập khẩu năng lượng có thể là một giải pháp. Mang các nhà máy quay trở lại Nhật Bản sẽ là giải pháp dài hơn hơi.