Đồng Yen yếu đang khiến Nhật Bản phải bỏ ra nhiều tiền hơn cho việc nhập khẩu hàng hóa, chủ yếu là mặt hàng năng lượng, dẫn đến sự gia tăng của tình trạng lạm phát.
Sự giảm giá của đồng Yen đang nhận được nhiều sự chú ý trên thị trường tài chính quốc tế. Ở thời điểm hiện tại, 1 USD đổi được 150,24 Yen, đây là mức thấp nhất của đồng Yen trong vòng 32 năm qua.
Chính phủ Nhật Bản cho biết đang theo dõi sát các biến động của đồng Yen để có biện pháp phản ứng phù hợp.
Trước những nghi ngại rằng dòng vốn sẽ rút khỏi Nhật Bản để đến với các thị trường có khả năng sinh lời lớn hơn, Bộ trưởng Tài chính Suzuki Shunichi cho biết nước này đang theo dõi sát các biến động của đồng Yen để tăng cường các biện pháp can thiệp nếu cần thiết.
Bất chấp các biến động gần đây, các nhà phân tích cho biết sự ổn định của thị trường tiền tệ Nhật Bản vẫn được đảm bảo nhờ vào nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ lên đến 1,2 nghìn tỷ USD, cao thứ 2 thế giới. Trong tháng 9 và tháng 10, Nhật Bản mới bán ra một phần nhỏ trong số tiền này, khoảng 50 tỷ USD, để can thiệp thị trường ngoại hối và làm chậm đà giảm giá của đồng Yen.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết vẫn sẽ duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng để thúc đẩy tăng trưởng và duy trì mức lạm phát mục tiêu 2%, bất chấp việc tỷ lệ lạm phát lõi của nước này đã chạm ngưỡng 3% trong tháng 9, đồng thời thâm hụt thương mại cũng tăng lên 73 tỷ USD trong nửa đầu tài khóa 2022.
Chính sách lãi suất thấp được xem là một phần nguyên nhân giúp Nhật Bản đạt tăng trưởng GDP dương trong 3 quý liên tiếp gần nhất, với mức tăng đều cao hơn dự báo của các chuyên gia. Đây là cơ sở để BOJ kiên trì với việc đi ngược lại đà tăng lãi suất trên phạm vi toàn cầu.
Biên tập: Team TAIHEN