Nguồn: GBN Vietnam/ Hataraku Japan
in Sức khỏe, Tin báo Nhật
Người Nhật bất mãn về y tế nước mình “Tại sao tôi phải khám tận 5 lần, lấy thuốc 3 lần chỉ vì sâu răng?”
Dưới đây là 3 điều mà người dân Nhật Bản chưa hài lòng và trông đợi sự cải thiện đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước họ.
Nhật Bản được biết đến như là một quốc gia có hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới, tuy nhiên điều này không có nghĩa là hệ thống đó đã thực sự hoàn hảo. Dưới đây là 3 điều mà người dân Nhật Bản chưa hài lòng và trông đợi sự cải thiện đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước họ.
1. Rất khó để được khám bệnh trong trường hợp khẩn cấp (đi cấp cứu)
Để hạn chế nguy cơ quá tải, các bệnh viện lớn thường sẽ không tiếp nhận bệnh nhân đến khám lần đầu tiên, mà phải thông qua các phòng khám nhỏ hơn (clinic). Hầu hết các bệnh viện lớn tại Nhật đều yêu cầu bạn phải đặt lịch khám từ trước, và cần có giấy giới thiệu từ các phòng khám tư. Một số nơi thậm chí còn từ chối các ca đến cấp cứu và yêu cầu bệnh nhân tìm kiếm bệnh viện khác.
Trung bình, người Nhật gặp bác sĩ gần 14 lần một năm, gấp ba lần số lần khám ở các nước phát triển khác. Hơn nữa, thời gian nằm viện trung bình ở Nhật Bản dài gấp 2-3 lần ở các nước phát triển khác. Vì vậy, Nhật Bản đang gặp vấn đề về cung không đủ cầu.
2. Rườm rà về thủ tục khám bệnh
“Tại sao tôi phải khám tới 5 lần và 3 lần tới lấy thuốc chỉ vì sâu răng?” – Đó là một lời than phiền của một bệnh nhân khi được hỏi về thủ tục y tế của nơi này. Một số bác sĩ yêu cầu xét nghiệm không cần thiết, và kéo dài thời gian nằm viện để nhận thêm tiền. Một số bác sĩ khác bỏ qua sự phức tạp về chuyên môn và phớt lờ yêu cầu của bệnh nhân, đồng thời không giải thích cho họ vấn đề thực sự về bệnh tình. Nhiều bác sĩ yêu cầu bệnh nhân tái khám rất nhiều lần (chi phí khám cho mỗi lần khoảng 10.000 Yên), cùng với đó là kê những đơn thuốc đắt đỏ.
3. Vấn đề sức khỏe tinh thần chưa thực sự được quan tâm
Văn hóa Nhật đề cao tinh thần nhẫn nhịn và tính chịu đựng, và các triệu chứng tinh thần như trầm cảm, lo lắng và không kiểm soát được cảm xúc bị xem là do sự thiếu ý chí. Chính vì vậy, người Nhật thường rất ngại chia sẻ về vấn đề này.
Việc điều trị sức khỏe tâm thần chỉ mới được chính phủ tài trợ trong 10 năm trở lại đây, điều này tuy có thể coi là một bước đi đúng hướng cho rất nhiều người gặp vấn đề về tinh thần tại Nhật, song những bước đi vẫn chưa được “nhanh và dứt khoát”, và các chính sách này vẫn đang như muối bỏ bể. Những hệ lụy thương tâm vẫn còn tồn đọng, điển hình là tình trạng hikikomori – tự nhốt mình trong phòng nhiều năm liền và từ chối giao tiếp với người khác. Theo ước tính, hiện nay có hơn 1 triệu người Nhật trong độ tuổi trưởng thành đang gặp phải tình trạng này.