Bệnh giang mai tại Nhật đang lây nhiễm với ‘tốc độ tồi tệ nhất’ trong nhiều thập kỷ qua, theo báo cáo từ Viện các Bệnh truyền nhiễm Quốc gia. Tính đến tháng 7 năm nay, đã có 7.241 ca nhiễm giang mai được ghi nhận, gần bằng số ca nhiễm của cả năm 2021 (7.983 ca) – cao nhất kể từ 1999 đến nay.
Trong số 7.241 trường hợp được báo cáo, có 2.090 ca ở Tokyo, 968 ca ở Osaka và 402 trường hợp ở Aichi. Tại sáu tỉnh, bao gồm Hokkaido và Kanagawa, hơn 200 trường hợp đã được ghi nhận.
Giang mai là một bệnh truyền nhiễm, lây chủ yếu qua hoạt động tình dục không an toàn. Người nhiễm vi khuẩn giang mai có rất ít triệu chứng ở thời kì đầu, chỉ nổi săng ở bộ phận sinh dục trong vài tuần, nhưng không đau nên rất khó nhận biết.
Tuy nhiên giang mai không có khả năng khỏi tự nhiên như Covid mà cần được chữa trị đúng cách. Nếu không chữa, người nhiễm sẽ ủ bệnh âm thầm trong nhiều năm, sau đó chuyển qua các giai đoạn nặng hơn, gây lở loét, suy nội tạng, mù mắt, vô sinh…v.v. Phụ nữ nhiễm giang mai có thể truyền cho con gây mù bẩm sinh cho thai nhi.
Theo thống kê, khoảng 2/3 số ca nhiễm là nam giới trong độ tuổi 20-50, 1/3 còn lại là nữ giới, chủ yếu tập trung trong độ tuổi từ 20-30. Nguyên nhân tăng số ca nhiễm được cho là do việc quan hệ tình dục không an toàn ngày càng phổ biến, thông qua mạng xã hội, hoạt động bố đường (‘パパ活) của các thiếu nữ trẻ, dịch vụ gái g.ọ.i, m.ạ.i d.â.m…v.v.
Nếu đã có quan hệ tình dục không an toàn và nghi ngờ có khả năng nhiễm bệnh, bạn hãy liên hệ với các trung tâm y tế để được tư vấn và hỗ trợ đặt lịch xét nghiệm sớm nhất có thể.
Nguồn: Jiji