Với lãi suất cơ bản ở mức -0,1%, Nhật Bản hiện là một trong những quốc gia hiếm hoi kiên quyết giữ mức lãi suất “siêu thấp”.
Tuy nhiên, việc đồng yên giảm mạnh và lạm phát leo thang, đi kèm với chi phí và rủi ro tăng cao đang đe doạ chính sách ôn hoà của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đưa ra chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại vào năm 2013, khi Thủ tướng lúc đó là ông Shinzo Abe cam kết các biện pháp mạnh mẽ để kích thích tăng trưởng kinh tế vốn đã trì trệ trong nhiều thập kỷ.
Nhưng yếu tố quan trọng nhất là làm cho tiền rẻ và sẵn có, một mục tiêu mà BoJ đạt được bằng cách giảm lãi suất xuống đáy và thu hút trái phiếu, cổ phiếu.
Thống đốc BoJ, ông Kuroda cam kết sẽ duy trì các chính sách đó cho đến khi lạm phát đạt mức 2%.
Nhưng đã gần 1 thập kỷ trôi qua kể từ khi chính sách nới lỏng tiền tệ được đưa ra, câu hỏi được nhiều nhà kinh tế một lần nữa nhắc tới là liệu chính sách này có còn phù hợp với Nhật Bản hay không? Thêm vào đó, việc sử dụng lãi suất siêu thấp để kích thích tăng trưởng đã khiến nền kinh tế của nước này đặc biệt dễ bị tổn thương trước những thiệt hại mà việc tăng lãi suất có thể gây ra.
Với việc Nhật Bản là nền kinh tế lớn duy nhất vẫn áp dụng chính sách lãi suất âm, BoJ đang có vẻ bị cô lập hơn bao giờ hết.
Theo ông Halpenny, chính sách tài khoá nới lỏng của Nhật Bản sẽ vẫn ổn nếu như tình hình lạm phát tại Mỹ trở về tầm kiểm soát trong năm tới, tương đương với việc Fed sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất. Tuy nhiên, cũng theo ông Halpenny, trong trường hợp ngược lại, rõ ràng BoJ sẽ phải đối mặt với “một đống lộn xộn”.
Nguồn: Yahoo News