in Đời sống, Tin báo Nhật
Xuất khẩu lao động đi Nhật lương 40 triệu đồng/tháng vẫn khó kiếm ứng viên
Nhiều doanh nghiệp đưa lao động sang làm việc tại Nhật Bản chia sẻ khó tuyển được người dù lương cơ bản 28-40 triệu đồng.
Hơn tuần qua, Công ty cổ phần xuất khẩu lao động và dịch vụ, thương mại Biển Đông (Estrala) nhận hơn chục cuộc điện thoại hỏi thông tin về mẩu tuyển 8 lao động nam lái máy xúc tại Nhật. Mức lương cơ bản mỗi tháng 40 triệu đồng, chưa kể tăng ca và các khoản phụ cấp. Tuần làm 5 ngày, mỗi ngày 8 tiếng. Người lao động không cần kinh nghiệm, chỉ cần học hết lớp 9, sức khỏe tốt, tuổi 18-35, cao từ 1,6m. Ngân hàng cho vay đến 80% chi phí ban đầu.
“Người lao động chăm chú lắng nghe. Nhân viên nghĩ đã tuyển được người nhưng cuối cùng họ trả lời chờ xem tình hình dịch ra sao mới quyết định”. Không chỉ đơn hàng lái máy xúc chưa tuyển được người, hơn 150 vị trí việc làm trong ngành thực phẩm, sơn, mộc, cơ khí, hàn với mức lương cơ bản 30-40 triệu đồng vẫn đang chờ lao động.
Ông Đại cho biết trước khi Covid-19 xuất hiện, một đơn hàng chỉ cần hai tuần công ty sẽ tuyển đủ người. Giờ đây, khi đối tác bên Nhật gửi thông tin qua, doanh nghiệp không dám cam kết ngày đưa lao động sang vì chưa chắc chắn về nguồn. Một số khách hàng bắt đầu chuyển hướng sang thị trường khác như Indonesia, Myanmar.
Tương tự, Công ty TNHH Dịch vụ quốc tế Sài Gòn (Saigon Inserco) cần tuyển hơn 200 lao động/ tháng thuộc nhiều ngành nghề với mức lương bình quân hơn 30 – 40 triệu đồng tùy ngành nghề, chưa kể tăng ca, phụ cấp nhưng vẫn khó tuyển người.
Bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng giám đốc Saigon Inserco, cho hay nguyên nhân đầu tiên chính là người lao động và gia đình lo lắng đại dịch chưa kết thúc. Họ không muốn đi xa và có tâm lý làm việc gần nhà để “nếu có dịch bệnh chạy về cho nhanh”. Một số trường hợp muốn đi nhưng hoang mang vì thấy nhiều người hai năm chưa xuất cảnh được do vướng Covid-19. Lao động e ngại nếu dịch tái bùng phát, chính sách nhập cảnh của nước sở tại sẽ thay đổi.
Trong khi đó, bà Lê Minh Thùy, Giám đốc Công ty Suleco Manpower (thuộc Công ty cổ phần dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia Suleco), phân tích mục đích lớn nhất của người lao động đi làm việc ở nước ngoài là tích lũy được khoản tiền để giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên khi đồng yên Nhật rớt giá cùng giá cả trong nước tăng nhanh, tổng lương quy đổi ra tiền Việt không còn cao như trước khiến người lao động ngần ngại và tính toán lại.
Một lý do khác là sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp trong nước, với phúc lợi tương đối ổn và thu nhập được cải thiện nhiều so với trước.
“Có sẵn công việc ở địa phương cùng với tâm lý sợ dịch, muốn làm gần nhà nên giai đoạn này nhiều lao động ưu tiên chọn làm trong nước”, bà Thùy đánh giá.
Theo ông Nguyễn Thế Đại, khi dịch bùng phát lao động Việt Nam ở Nhật rất an toàn. Ngay cả khi ca nhiễm toàn thế giới tăng cao, nhiều nước áp lệnh phong tỏa thì Nhật Bản vẫn sống chung an toàn với dịch. Người lao động Việt Nam vẫn làm việc bình thường, thu nhập ổn định. Ông Đại cho rằng để giữ thị trường Nhật, một trong những việc cần làm sớm là nhanh chóng xóa bỏ tâm lý sợ dịch quá mức của người lao động.
Nhật Bản vốn là thị trường chủ lực đối với xuất khẩu lao động Việt Nam. Trước đại dịch, có hơn 200.000 thực tập sinh và khoảng 30.000 lao động kỹ thuật làm việc tại đây. Từ khi Covid-19 xuất hiện, việc đưa lao động bị gián đoạn. Ba tháng đầu năm nay, Việt Nam đưa được gần 2.500 lao động đi làm việc, trong đó Nhật dẫn đầu với hơn 600 người.
Nguồn: Báo VnExpress