Việc tiêm vacxin bổ sung ngừa Covid đang được đẩy mạnh tại Nhật Bản. Tính đến ngày 8/2, chỉ mới có 7.2% dân số Nhật Bản tiêm đủ 3 mũi vacxin. Trong bối cảnh đó, mới đây, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế Nhật Bản đã công bố một nghiên cứu về “Ảnh hưởng của việc uống rượu bia đối với hiệu quả tiêm chủng”.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra 187 đàn ông và phụ nữ ở độ tuổi từ 20 đến 70 đã được tiêm vắc xin lần thứ ba. Các đối tượng được chia làm 2 nhóm có uống rượu bia và không uống rượu bia, sau đó người ta đã tiến hành so sánh lượng kháng thể sau khi được tiêm chủng giữa 2 nhóm này. Kết quả cho thấy nhóm tiêu thụ đồ uống có cồn có lượng kháng thể chống lại virus Corona thấp hơn 15% so với những người không uống. Nói cách khác, nhóm này có nguy cơ nhiễm bệnh và bị bệnh nặng cao hơn nhóm không uống rượu bia. Lượng rượu bia tiêu thụ được giả định là vài lần trong tuần.
Nói về kết quả trên, phó Giáo sư Retsu Fujita, người đang thực hiện nghiên cứu lần này, cho biết hầu hết các tế bào miễn dịch được tập trung tại gan và ruột. Việc thường xuyên tiêu thụ rượu bia sẽ khiến gan phải tăng cường hoạt động để loại bỏ độc tố, làm giảm chức năng gan và tạo gánh nặng cho ruột, điều này đã ức chế sự gia tăng các kháng thể.
Ngoài ra, nghiên cứu này cũng tiết lộ những tác dụng của việc tiêm vắc xin mũi thứ 3 đối với hệ miễn dịch. Tính trung bình trên tất cả các nhóm tuổi, lượng kháng thể sẽ tăng khoảng 34 lần sau khi tiêm, và khi tuổi càng cao, hiệu quả này càng đặc biệt mạnh, khiến lượng kháng thể tăng trung bình khoảng 50 lần đối với nhóm tuổi 60 và khoảng 90 lần đối với nhóm tuổi 70.Không có sự khác biệt nàovề lượng kháng thể trong lần tiêm chủng thứ ba giữa nam và nữ.
Trước kết quả nghiên cứu trên, Phó giáo sư Fujita đang kêu gọi mọi người tích cực tham gia tiêm chủng bổ sung, bất kể thuộc độ tuổi nào, vì lượng kháng thể chắc chắn sẽ tăng lên khi tiêm chủng lần thứ ba.