Theo báo cáo của Liên đoàn các hiệp hội bảo hiểm y tế Nhật Bản (Kenporen), số bệnh nhân có chi phí điều trị hàng tháng trên 10 triệu yên (gần 2 tỉ đồng) đã đạt mức kỉ lục 1.517 người trong năm 2021, gấp 3 lần sau 5 năm (484 ca vào năm 2016). Sự gia tăng mạnh mẽ này là do Nhật Bản đang dần áp dụng các phương pháp điều trị tiên tiến và đắt đỏ nhất.
Theo đó, trong số 1.517 ca bệnh viện phí khủng thống kê được, có 7 người có viện phí vượt mốc 100 triệu yên/ tháng (gần 20 tỉ đồng), số tiền cao nhất là 168,52 triệu yên/ tháng (hơn 28 tỉ đồng). Tất cả họ đều là những bệnh nhân bị teo cơ tủy sống, một căn bệnh khó chữa khiến các cơ toàn thân dần dần yếu đi và đang sử dụng thuốc điều trị Zolgensma, xuất hiện vào năm 2020.
48 trong số 100 người có mức viện phí cao nhất đang sử dụng “Kymriah”, một phương pháp điều trị bệnh bạch cầu và các bệnh khác xuất hiện vào năm 2019.
Tuy hóa đơn viện phí khổng lồ là vậy nhưng thực chất các bệnh nhân chỉ phải tự trả khoảng vài trăm nghìn yên/ tháng (không đến 200 triệu đồng) do áp dụng chế độ hỗ trợ giới hạn chi phí y tế – 高額療養費制. Theo đó, phần viện phí vượt mức giới hạn (mức chặn trên) sẽ được BHYT chi trả toàn bộ.
Liên đoàn Bảo hiểm Y tế tuyên bố, “Việc áp dụng các loại thuốc mới đột phá trong chữa bệnh là rất cần thiết, tuy nhiên nếu cứ thế này hệ thống y tế công sẽ rất khó để duy trì được. Cần tiến hành xem xét lại chế độ trong thời gian tới.”
Nguồn: Yahoo news