in Đời sống, Tin báo Nhật
Lo ngại lao động Việt Nam sẽ không còn chọn Nhật sau nhiều bê bối tại các công ty đào tạo thực tập sinh
Các nước châu Á xung quanh Nhật Bản sớm muộn cũng trở nên giàu có, người lao động sẽ không chịu đựng văn hóa doanh nghiệp “bắt nạt” và sự thiếu tôn trọng người châu Á của Nhật Bản.
Hiện nay, số lượng lớn nhất của lao động nước ngoài tại Nhật Bản là người Việt Nam, trong đó một nửa là thực tập sinh kỹ năng. Thế nhưng, việc họ bị hành hung, bắt nạt tại nơi làm việc liên tiếp diễn ra và chưa hề dừng lại.
Nhà báo Konatsu Himeda nói, “Nếu việc thực tập sinh kỹ năng rời Nhật Bản tiếp tục, một bộ phận doanh nghiệp Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.”
Tính đến cuối tháng 10/2020, số lượng lao động Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản là 443.998 người, vượt qua Trung Quốc để trở thành nước có số lượng lao động đông nhất. Có hơn 200.000 thực tập sinh kỹ năng, nhưng đối với một số người Việt Nam, thực tế của “Nhật Bản màu hồng” thật khủng khiếp.
Ví dụ thực tế ngay gần đây, một thực tập sinh Việt Nam tại Okayama đã bị hành hung 2 năm liên tiếp, bị thương, thậm chí gãy 3 chiếc xương sườn. Vậy mà công ty còn cố tình giấu diếm sự việc, ép cả việc đổi lời khai.
Hay như việc một thực tập sinh bị thương nặng do ngã từ trên cao xuống trong lúc làm việc, công ty trả lời điều tra của cảnh sát, rằng đó là do tự thực tập sinh ngã xuống. Sau đó phủ nhận trách nhiệm, thậm chí không chi cả phí chữa trị.
Tất nhiên, sự việc trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Có rất nhiều thực tập sinh tại Nhật gặp trường hợp tương tự và kêu cứu mỗi ngày. Hệ thống đào tạo thực tập sinh ra đời năm 1993, dù đã gần 30 năm, một số thực tập sinh vẫn ở trong môi trường làm việc tồi tệ và tiếp tục bị hành hung hay quấy rối tình dục.
Dù vậy, nhưng thực tập sinh không có quyền lựa chọn, họ không được phép chuyển việc.
Ở Nhật Bản, có một tổ chức được gọi là tổ chức giám sát, đảm nhận quá trình từ tuyển dụng đến tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng. Ban đầu, người nhận có nhiệm vụ kiểm tra xem có vi phạm pháp luật và quy định nào không và bảo vệ các thực tập sinh, nhưng thực tế lại khác.
Theo một người làm thủ tục hành chính, quen thuộc với các thực tập sinh, “Tổ chức giám sát sợ rằng sự chứng thực tổ chức xuất sắc do chính phủ tặng sẽ bị tước đi, nên họ sẽ lờ đi những rắc rối như tai nạn và mất tích xảy ra tại các công ty.”
Trên thực tế, Nhật Bản đang sử dụng lao động giá rẻ nhưng không chịu thừa nhận người nước ngoài như lao động chân chính.
Họ dùng cái mác “thực tập” để không cho thực tập sinh có quyền lựa chọn công việc. Vì thế, dù điều kiện làm việc có tồi tệ thế nào thì thực tập sinh không có cách nào chạy thoát được.
Một khi họ muốn thoát thì chỉ có thể, hoặc là về nước cùng khoản nợ khổng lồ, hoặc là cư trú, lao động bất hợp pháp.
Và thế là tỷ lệ phạm tội của người Việt Nam ngày một nhiều hơn. Theo “Tình hình tội phạm có tổ chức trong năm Reiwa 2” của cảnh sát, tổng số người nước ngoài phạm tội ở Nhật Bản là 11.756 người. Người Việt Nam chiếm số lượng lớn nhất là 4219 người (35,9%), nhiều nhất là trộm cắp.
Các nước châu Á xung quanh Nhật Bản sớm muộn cũng trở nên giàu có, người lao động sẽ không chịu đựng văn hóa doanh nghiệp “bắt nạt” và sự thiếu tôn trọng người châu Á của Nhật Bản.
Khi đó, Nhật Bản mất đi vị thế, họ buộc phải lựa chọn giữa tìm kiếm nguồn lao động ở châu Phi xa hơn, hoặc giải quyết tình trạng thiếu lao động trong cô lập.
Mặc dù hệ thống đào tạo của Nhật Bản đang được cải thiện, nhưng “mối quan hệ giữa con người với nhau” vẫn chưa được khắc phục.
Người Nhật sẽ có thể giải quyết tình trạng thiếu lao động khi hiểu rằng, điều quan trọng là người Nhật phải hiểu biết sâu sắc hơn về các nền văn hóa khác nhau và thực sự hợp tác.
Nguồn: Yahoo News