Lao động Việt Nam hiện có mặt tại 40 quốc gia trong hơn 30 lĩnh vực, ngành nghề, mỗi năm gửi về hơn 3 tỷ USD.
Việt Nam đã chọn lọc được một số thị trường chiến lược, như Nhật Bản thu hút lao động với mức thu nhập 1.200-1.400 USD mỗi tháng.
Tuy nhiên, 90% người đi làm việc ngoài nước vẫn chủ yếu là nhóm tay nghề thấp, hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ. Tỷ lệ lao động kỹ thuật bậc cao, chuyên gia không quá 10%.
Khoảng 80% lao động mang tâm lý kiếm tiền mà không có kế hoạch tiếp thu, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển nghề nghiệp tương lai. Ra đi để đổi đời, song nếu giữ tâm lý này, họ dễ rơi vào vòng luẩn quẩn khi về nước khó tìm việc làm, thậm chí thất nghiệp.
Ngoài ra, có 4 vấn đề nhức nhối của hoạt động xuất khẩu lao động hiện nay. Đó là lừa đảo của công ty môi giới xâm hại đến hình ảnh của lao động Việt Nam ở nước ngoài; nhiều công ty, nghiệp đoàn e ngại dùng lao động Việt Nam bởi không đủ trình độ, kỹ năng; biến tướng của hoạt động buôn người công nghệ cao và cuối cùng là tình trạng bỏ trốn của lao động Việt Nam.
Đứng ở góc độ bảo vệ quyền lợi lao động, TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân Công đoàn, chỉ ra thực tế lao động xa xứ nếu vướng rủi ro không biết nhờ cậy ai, chủ yếu tìm đến các hội đồng hương. Họ khó hòa nhập với môi trường làm việc, dễ bị phân biệt trong giao tiếp, mua bán, nhiều người ở nước ngoài 3-4 năm nhưng vẫn bị kỳ thị. Cuối cùng, khoảng 68% lao động cho biết chế độ lương, phúc lợi thấp kém hơn các nước khác.
Việt Nam cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và chuyên gia đi làm việc tại nước ngoài để hạn chế tình trạng trên.
Nguồn: VN Express